6 điều lưu ý khi cách ly F0, F1 tại nhà
Để tránh lây nhiễm virus corona, chúng ta nên thực hiện nghiêm chỉ thị 16 giãn cách và nằm lòng biện pháp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) mà Bộ Y Tế đã khuyến cáo.
Nhưng khi lỡ mắc bệnh, chúng ta cũng không nên hoang mang bởi theo tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) thì hầu hết các trường hợp mắc Covid-19 nhẹ đều có thể theo dõi, chăm sóc tại nhà dưới sự hỗ trợ của nhân viên y tế và lưu ý 6 điều dưới đây:
1. Chuẩn bị phòng và đồ dùng cho người cách ly
- Phòng cách ly cần thoáng mát, khép kín và cách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình, có đầy đủ phòng tắm, phòng vệ sinh riêng biệt.
- Trong phòng cần đầy đủ các dụng cụ cho sinh hoạt cá nhân như quần áo, kem đánh răng, dầu gội, đồ giặt quần áo và đồ dùng cho việc phòng chống dịch như dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn, có thùng đựng chất thải có nắp đậy mở bằng cách đạp chân và có dụng cụ đo thân nhiệt. Ngoài ra, trong phòng cũng cần có dung dịch khử khuẩn hoặc chất tẩy rửa thông thường để người bệnh khỏe có thể tự khử khuẩn phòng hàng ngày.
- Dự trữ đầy đủ một số loại thuốc cần thiết như thuốc hạ sốt, vitamin C, tiêu chảy, dạ dày, xịt khoáng, khẩu trang... để sử dụng khi cần thiết.
2. Giữ tinh thần thoải mái
- Không tự tạo áp lực cho bản thân, không đổ lỗi cho bản thân là người đem nguồn lây đến cho gia đình, không suy nghĩ quá nhiều mà hãy sẵn sàng tâm lý thực hiện nghiêm túc việc cách ly như một cách chung tay chiến thắng dịch bệnh.
- Dành thời gian thực hiện việc yêu thích như nghe nhạc, đọc sách, thiền, xem phim...
- Không xem tin tức về dịch bệnh quá nhiều.
- Vận động cơ thể bằng những bài tập vận động phù hợp giúp giảm hormone căng thẳng của cơ thể.
- Thường xuyên liên hệ với người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp (những người có thái độ tích cực) qua điện thoại và qua mạng xã hội để giảm suy nghĩ tiêu cực.
- Tập hít thở.
- Cố gắng ngủ đủ 8 tiếng (dù có thể sẽ bị mất ngủ vì đau nhức).
3. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng và sống lành mạnh
- Chế độ ăn uống lành mạnh phù hợp cho người đang cách ly là tăng cường các thực phẩm có hàm lượng đạm dễ hấp thụ, giàu chất kẽm, vitamin B, selen, acid béo, acid amino như tôm, cua, cá... đặc biệt là đạm có nguồn gốc thực vật như đậu nành. Bên cạnh đó cũng cần bổ sung các loại giàu vitamin C giúp làm dịu hệ thần kinh như các loại trái cây cam, quýt, bơ, chuối, kiwi và các loại rau củ như khoai tây, rau cải...
- Phải cố gắng ăn dù bị mất khẩu vị hoặc thậm chí bị ói mửa.
- Uống thật nhiều nước ấm.
- Không nên sử dụng các chất kích thích như rượu, cafe...
4. Bảo vệ người thân trong gia đình
- Không ra khỏi khu vực phòng cách ly, giữ khoảng cách tối thiểu 2m với người than sống cùng nhà.
- Đeo khẩu trang khi phải tiếp xúc với người khác.
- Tự thực hiện các biện pháp khử khuẩn phòng ở hàng ngày.
- Bỏ khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng vào túi trong thùng đựng chất thải lây nhiễm đặt trong phòng, xịt cồn 70 độ để khử khuẩn và buộc chặt miệng túi để trong phòng cách ly chờ xử lý.
- Các rác thải thông thường được bỏ vào thùng đựng rác thải sinh hoạt, buộc chặt miệng túi và đặt ra trước cửa để thu gom hàng ngày.
5. Tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế
- Đo thân nhiệt 2 lần mỗi ngày, theo dõi sức khỏe và khai báo các triệu chứng qua ứng dụng VHD, Bluezone hoặc báo cho nhân viên y tế đang theo dõi.
- Theo dõi sát sao nồng độ oxy trong máu. Chỉ số oxy trong máu dưới 95% cần phải đi viện ngay. Tham khảo thêm về nồng độ oxy trong máu TẠI ĐÂY
- Uống thuốc paracetamol khi bị sốt, đau đầu hay đau cơ theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu sốt kéo dài sau khi đã uống thuốc thì đắp khăn lạnh chườm lên trán để hạ sốt.
- Khi có cảm giác đau ngực hay lờ đờ, hoa mắt, chóng mặt cần liên hệ ngay với nhân viên y tế để được hỗ trợ.
6. Theo dõi kỹ các biểu hiện bệnh covid-19
Nếu là F1 đang cách ly tại nhà: khi có các triệu chứng như sốt, ho, lờ đờ, mất vị giác và khứu giác, đau đầu, đau cơ và đôi khi thấy rát họng, đỏ mắt, nghẹt mũi, buồn nôn thì cần liên hệ ngay cơ quan y tế để được tư vấn, xét nghiệm.
Nếu là F0 đang theo dõi tại nhà: khi gặp triệu chứng khó thở, lú lẫn, không thể tự chăm sóc bản thân, không thể tự ra khỏi giường thì người nhà cần gọi ngay cho bác sĩ phụ trách để được đưa đi cấp cứu.