Giỏ hàng

Linh chi và hệ miễn dịch trong cơ thể

Trong cơ thể con người có một hệ thống chống lại các tác nhân gây bệnh đó là hệ miễn dịch và thường được giải thích dễ hiểu là “sức đề kháng”.

Về phương thức hoạt động, hệ thống miễn dịch được phân chia thành hai loại đáp ứng miễn dịch: miễn dịch không đặc hiệu và miễn dịch đặc hiệu.

Sự lành lặn của lớp da có tác dụng như một hàng rào bảo vệ cơ thể hoặc như các tế bào bàn chải bên trong khí quản ngăn các các vi khuẩn, virus, v.v..., hoặc vai trò của các tế bào (bạch cầu, đơn nhân thực bào, đại thực bào…), hoặc các chất được phóng thích từ tế bào (lysozym, interferon, …) giúp cản trở sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh – đó là các đại diện cho miễn dịch không đặc hiệu. Trong khi đó, miễn dịch đặc hiệu lại liên quan chặt chẽ đến sự hình thành các kháng thể, phức hợp kháng nguyên kháng thể và các lympho bào T và B [1].

Như vậy, hệ miễn dịch càng khoẻ mạnh, càng có được sự phối hợp chặt chẽ của hai nhóm miễn dịch này thì cơ thể mới càng có sức khoẻ tốt, khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh cao.

Nhằm tăng cường sức đề kháng hay tăng cường khả năng bảo vệ của hệ miễn dịch, có rất nhiều loại thảo dược được sử dụng trong nền y học Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Singapore, như Hoàng kỳ, Kim ngân, Nhân sâm, Tỏi, Nghệ, Linh chi, ... [3], [4]

Nhắc đến Linh chi, đa số mọi người đều biết đây là một loại nấm, có tên khoa học Garnoderma lucidum (W. Curtis ex Fr) P. Karst. Nấm có vị ngọt, nhạt, hơi đắng, có tác dụng tư bổ, tăng cường sức khoẻ, hỗ trợ tiêu hoá và an thần. Trong dân gian thường được dùng cho những trường hợp bị suy nhược cơ thể, tăng huyết áp, tăng cholesterol, ngoài ra còn dùng cho những bệnh nhân ung thư [2]. Thực tiễn nghiên cứu hiện nay đối với Linh chi cũng nhằm mục đích chứng minh những tác dụng trên và đáng kể đến là vai trò điều hoà miễn dịch, hỗ trợ hệ miễn dịch để chống lại vi khuẩn, virus và các tác nhân gây bệnh khác.


Ngày 20 tháng 3 năm 2020, Linh Chi Trường Sinh hân hạnh đón tiếp đoàn nghiên cứu ghé thăm trại nấm, trao đổi qui trình nuôi cấy, và thu thập mẫu nấm và bào tử về phân tích trong phòng lab.

Thành phần của nấm Linh chi có một hoạt chất là polysaccharide (GLPS - G. lucidum polysaccharide) có tác động đến những tế bào của hệ miễn dịch (đại thực bào, tế bào giết tự nhiên, …), điều này gợi ý rằng nấm có khả năng điều hoà miễn dịch [6]. Cùng hoạt chất này, tác giả Xiao-Ling Zhu và cộng sự đã tiến hành thử nghiệm trên chuột và nhận thấy khi được sử dụng thuốc có chứa GLPS thì số lượng các tế bào thuộc hệ miễn dịch đặc hiệu và không đặc hiệu đều tăng lên nhanh chóng, chứng tỏ Linh chi có niềm năng hỗ trợ hoạt động của hệ miễn dịch [8].
Ngoài ra, một hoạt chất có hoạt tính sinh học khác trong Linh chi là GLIS (một proteoglycan). Hoạt chất này có khả năng điều hoà miễn dịch cả nhóm đặc hiệu và nhóm không đặc hiệu. Vì chất này làm tăng khả năng thực bào của đại thực bào từ tuỷ xương và tăng số lượng lympho bào B từ lách khi được nghiên cứu trên mô hình chuột [7].

Chính vì có những lợi ích như trên, việc sử dụng Linh chi ngày càng phổ biến nhưng những bằng chứng chứng tỏ tính an toàn, không độc của Linh chi còn thiếu nhiều. Do đó, Tạp chí dinh dưỡng Anh (British journal of Nutrition) đã tiến hành thử nghiệm trên người và cho kết quả: ở những người sử dụng Linh chi hoàn toàn không có dấu chỉ gây độc trên thận, gan. Ngược lại, nấm còn làm tăng tính chống oxy hoá và cải thiện các dấu chỉ liên quan đến yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành [5].

Từ những kết quả đã trình bày, có thể thấy rằng tiềm năng về vai trò của Linh chi đối với hệ miễn dịch rất lớn. Đặc biệt là hai hoạt chất trong nấm: GLPS và GLIS. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Linh chi giúp tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh tật với cơ chế tác động cả trên những thành phần thuộc nhóm miễn dịch đặc hiệu và những thành phần thuộc nhóm miễn dịch không đặc hiệu. Hơn thế nữa, Linh chi không hề gây độc trên gan và thận mà còn có tác dụng tốt trong việc chống oxy hoá cũng như cải thiện các yếu tố gây bệnh tim liên quan động mạch vành.

ThS BS Huỳnh Thị Lưu Kim Hường
Giảng viên Khoa Y học cổ truyền – ĐH Y Dược TP.HCM

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phạm Hoàng Phiệt (2006), "Đại cương về miễn dịch học", Miễn dịch - Sinh lý bệnh, Nxb Y học, tr. 1-8.
  2. Võ Văn Chi (2015), "Linh chi", trong Nguyễn Tiến Dũng, chủ biên, Bài thuốc hay từ cây thuốc quý, Nxb Y học, Hà Nội, tr. 354-356.
  3. Singh, V.K. & Sharma, P.K. & Dudhe, R. & Kumar, Nishikanta (2011), "Immunomodulatory effects of some traditional medicinal plants", J Chem Pharm Res. 3, pp. 675-684.
  4. Thangadurai K, Savitha R, Rengasundari S, Suresh K and Banumathi V (2018), "Immunomodulatory action of traditional herbs for the management of acquired immunodeficiency syndrome: A review", International Journal of Herbal Medicine. 6(6), pp. 10-14.
  5. Wachtel-Galor, S., Tomlinson, B., and Benzie, I. F. (2004), "Ganoderma lucidum ("Lingzhi"), a Chinese medicinal mushroom: biomarker responses in a controlled human supplementation study", Br J Nutr. 91(2), pp. 263-9.
  6. Xu, Z., et al. (2011), "Ganoderma lucidum polysaccharides: immunomodulation and potential anti-tumor activities", Am J Chin Med. 39(1), pp. 15-27.
  7. Zhang, J., et al. (2010), "GLIS, a bioactive proteoglycan fraction from Ganoderma lucidum, displays anti-tumour activity by increasing both humoral and cellular immune response", Life Sci. 87(19-22), pp. 628-37.
  8. Zhu, X. L., Chen, A. F., and Lin, Z. B. (2007), "Ganoderma lucidum polysaccharides enhance the function of immunological effector cells in immunosuppressed mice", J Ethnopharmacol. 111(2), pp. 219-26.